Nghệ Thuật Làm Việc Tuyệt Vời Của Toyota

Doanh thu của các doanh nghiệp Nhật Bản đang dần tăng trưởng trở lại sau thời gian dài suy thoái. Toyota cũng kinh doanh có lãi trở lại sau cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 2008, lũ lụt tại Thái Lan và gần đây nhất là trận động đất sóng thần tại Nhật Bản (11/3/2011). Hơn nữa, đến cùng kỳ năm 2014, Toyota đã đạt mức lợi nhuận khổng lồ vượt 20 ngàn tỷ yên.

Trước năm 2008, Toyota vẫn luôn khiến chúng ta choáng ngợp về tốc độ tăng trưởng với sản lượng sản xuất và số lượng tiêu thụ đứng đầu thế giới, công xưởng sản xuất cũng được mở rộng trên quy mô toàn cầu. Trong giai đoạn này, tình trạng sản xuất của Toyota thậm chí có thể nói rằng: “Cứ sản xuất ra là có thể tiêu thụ được”. Tuy vậy, khi đang ở vị trí đứng đầu thế giới vào năm 2008 thì công ty phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế Lehman. Đến năm 2009-2010, Toyota lại điên đảo với tình trạng bị buộc thu hồi xe tại thị trường Mỹ. Thêm vào đó, tháng 3 năm 2011 công ty lại phải gánh chịu những thiệt hại lớn từ trận động đất sóng thần tại khu vực phía đông Nhật Bản. Liên tiếp các vấn đề đến từ trong và ngoài nước đã gây thiệt hại nặng nề đối với hoạt động sản xuất nói chung, cũng là những cú đánh thẳng vào Toyota nói riêng.

Trước đây, ngài Kiichiro Toyoda – người sáng lập Toyota đã phải nhận trách nhiệm và từ chức khi công ty đứng trước bờ vực phá sản vào năm 1950 – đã từng đề cao tầm quan trọng của việc dự phòng những nguy cư nghiêm trọng “chỉ có thể gặp 1 đến 2 lần trong 100 năm”. Khả năng trụ vững trước những khó khăn liên tiếp như vậy là minh chứng rõ ràng nhất cho sức sống bền bỉ của Toyota.

Tình trạng khó khăn này kéo dài liên tiếp trong mấy năm trời. Trong thời điểm ấy, điều cấp thiết hơn bao giờ hết chính là phải tìm ra được lối thoát cho công ty. Thật bất ngờ, lối thoát ấy lại nằm chính ở phương thức sản xuất Toyota mà công ty đã dành biết bao năm tháng để xây dựng nên.

Sau cơn khủng hoảng Lehman một thời gian, trong công ty Toyota truyền tai nhau một câu nói: “Có một thứ mà chúng ta nhất quyết phải lấy lại. Mặc dù công ty đã chịu thiệt hại vô cùng lớn nhưng chỉ cần quay trở lại phương thức sản xuất Toyota thì mọi chuyện sẽ được giải quyết”. Chính điều này đã trở thành chỗ dựa tinh thần cho mọi người.

Đúng như vậy, trước đây, do công ty phát triển lớn mạnh quá nhanh chóng đã tạo ra một khoảng cách nhất định giữa cơ cấu tổ chức và phương thức sản xuất Toyota. Điều này đã dẫn tới chậm trễ trong khâu đối phó với các vấn đề. Bây giờ cần làm gì, cần tuân thủ gì, cần vứt bỏ gì… tất cả đều đã rõ ràng, còn lại chỉ là hành động mà thôi.

Kết quả chính là cuộc hồi phục ngoạn mục và danh hiệu nhà sản xuất xe hơi đầu tiên trên thế giới đạt đến mức sản xuất 10 triệu chiếc xe. Trong cuốn sách này, tôi đã chọn lọc ra những tinh hoa của phương thức sản xuất Toyota (ngoài ra còn kèm theo hình minh họa dễ hiểu), cơ sở cho cuộc khôi phục ngoạn mục từ cơn khủng hoảng kinh tế Lehman, sao cho không chỉ các doanh nghiệp sản xuất mà cả phía thương mại cũng có thể áp dụng một cách dễ dàng. Bất cứ bài học nào trong cuốn sách này cũng đều được đúc rút từ những kinh nghiệm thực tế đã từng phát sinh trong công xưởng của Toyota. Có lẽ những bài học này cũng có phần “nghiêm khắc” nhưng lý do của sự “nghiêm khắc” ấy chính là xuất phát từ lòng tin vào khả năng tuyệt vời của con người. Tôi mong muốn quý độc giả nhận ra và tin vào trí tuệ, khả năng tuyệt vời tiềm ẩn bên trong bản thân mình. Đồng thời, xin quý vị hãy áp dụng dù chỉ 1 hay 2 điều học được vào công việc thực tế hàng ngày. Phương thức sản xuất Toyota không phải chỉ để đọc mà cần thiết phải được thực hành.

Mong rằng sau khi đọc cuốn sách này, quý độc giả sẽ tích lũy dần những kinh nghiệm nhỏ hàng ngày để đạt được thành quả lớn hơn, biến những nguy cơ gặp phải thành sức mạnh của bản thân.

Yoshihito Wakamatsu

Đính kèm

Cùng người chia sẻ

Đang cập nhật

Nổi bật

Đang cập nhật