Suckhoedoisong.vn - Sự kiện khánh thành 1.000 điểm cầu khám chữa bệnh từ xa, với sự tham dự và trực tiếp chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, cùng nhiều vị lãnh đạo của Đảng, Nhà nước... là một trong nhiều sự kiện đặc biệt quan trọng của ngành y tế trong năm 2020. Thực hiện Đề án Khám chữa bệnh từ xa, góp phần thực hiện thành công Chương trình Chuyển đổi số quốc gia theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Mục tiêu của Đề án Khám chữa bệnh từ xa là mọi người dân đều được quản lý, tư vấn, khám chữa bệnh, hỗ trợ chuyên môn của các bác sĩ từ tuyến xã đến tuyến Trung ương; người dân được sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng của tuyến trên ngay tại cơ sở y tế tuyến dưới.

Ứng dụng công nghệ hiện đại trong khám chữa bệnh

Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã ban hành Đề án khám chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020-2025 tại Quyết định 2628/QĐ-BYT ngày 22/6/2020 với quan điểm chủ đạo là "Chất lượng khám, chữa bệnh vươn cao, vươn xa".

GS.TS.Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng, ngành y tế cần phải ứng dụng công nghệ để phát huy một cách cao nhất hiệu quả chất lượng khám chữa bệnh.

Cán bộ y tế BVĐK huyện Định Hóa theo dõi buổi hội chẩn của bác sĩ BV Đại học Y Hà Nội.

Bộ trưởng kỳ vọng, tới đây, bệnh nhân chỉ cần đến bệnh viện tuyến huyện và tuyến tỉnh, thậm chí là ở tại nhà cũng có thể được các bác sĩ của những bệnh viện đầu ngành tuyến Trung ương hội chẩn trực tuyến, được chẩn đoán bệnh từ xa, từ đó đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả. Điều này không chỉ giúp tăng cường năng lực chuyên môn cho các bệnh viện tuyến dưới, giảm quá tải cho bệnh viện tuyến trên, mà còn đáp ứng nhiệm vụ khám chữa bệnh cho người dân tốt hơn trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp.

Trước đây, việc hỗ trợ chuyên môn theo phương thức 1-1, tức là một tuyến trên hỗ trợ cho một tuyến dưới, thì hiện nay theo Đề án khám chữa bệnh từ xa sẽ theo mô hình 1-N để nhân rộng phạm vi thụ hưởng. Tức là một bệnh viện tuyến trên hỗ trợ cho một bệnh viện tuyến dưới nhưng tất cả các bệnh viện khác trong mạng lưới đều có thể tham gia vào hội chẩn, theo dõi.

Là người đứng đầu cơ sở được hỗ trợ tư vấn, khám chữa bệnh từ xa của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, ThS. BS. Hoàng Quang Trung, Giám đốc BVĐK tỉnh Hà Tĩnh cho biết, từ tháng 6 đến nay, qua lần triển khai hội chẩn trực tuyến với Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, nhiều bệnh nhân nặng của BVĐK tỉnh Hà Tĩnh đã được các chuyên gia đầu ngành phân tích kỹ lưỡng, đưa ra các phác đồ điều trị phù hợp nhất cho mỗi bệnh nhân. Nhờ đó, các bệnh nhân được điều trị tốt nhất ngay tại chỗ, hạn chế việc chuyển tuyến, tiết kiệm chi phí và giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.

“Các thầy của BV Đại học Y Hà Nội triển khai rất bài bản và tâm huyết, có kiểm tra kết quả sau mỗi buổi hội chẩn nên bắt buộc các bệnh viện sau khi hội chẩn xong, phải tập trung vào điều trị bệnh nhân. Sau một tuần, các thầy sẽ hỏi lại kết quả thực hiện. Việc triển khai khám chữa bệnh từ xa không chỉ mang lại lợi ích lớn cho người bệnh mà còn tạo điều kiện cho các bác sĩ tại BVĐK tỉnh Hà Tĩnh cơ hội để học hỏi và nâng cao chuyên môn”, BS. Hoàng Quang Trung chia sẻ.

E kip phẫu thuật tim cho bệnh nhi 55 tháng tuổi của BVĐK tỉnh Phú Thọ với sự hỗ trợ qua Telehealth với BV Tim Hà Nội.

Hạnh phúc khi có Đề án Khám chữa bệnh từ xa

BSCKI. Phạm Hồng Tươi, Khoa Đơn nguyên sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa huyện Mộc Châu, Sơn La vẫn không thể quên được ngày chị tiếp nhận khám và điều trị cho bệnh nhi, trẻ sinh non tháng khi mới được 28 tuần tuổi, đẻ rơi trên xe taxi trong tình trạng suy hô hấp sau sinh, tím quanh môi, phổi thông khí kém, rút lõm lồng ngực, phản xạ sơ sinh yếu.

Xác định đây là ca bệnh khó và phức tạp, sau khi xử trí bước đầu cho trẻ, BVĐK huyện Mộc Châu đã ngay lập tức xin hội chẩn từ xa với các chuyên gia của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội thông qua hệ thống y tế từ xa Telehealth. Tại buổi hội chẩn, PGS.TS. Nguyễn Thị Diệu Thúy, Trưởng Bộ môn Nhi, Đại học Y Hà Nội đánh giá các bác sĩ của BVĐK huyện Mộc Châu đã làm rất tốt quy trình cấp cứu ban đầu cũng như điều trị cho bệnh nhi. Nếu cách đây khoảng 5-6 năm, những trường hợp bệnh nhi này ở tuyến dưới là không cứu được.

PGS.TS. Nguyễn Thị Diệu Thúy đã hướng dẫn các bác sĩ BVĐK huyện Mộc Châu tiếp tục thực hiện các phác đồ điều trị tiếp theo cho bệnh nhân. GS.TS. Lê Thị Hương, Viện trưởng Viện đào tạo Y học dự phòng và y tế công cộng, chuyên gia về dinh dưỡng cũng đã hướng dẫn, góp ý trong cách cung cấp dinh dưỡng cho bệnh nhi...

Tiếp thu và thực hiện theo các hướng dẫn từ các thầy cô của Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, các y bác sĩ của BVĐK huyện Mộc Châu đã chiến thắng, giành lại sự sống cho bệnh nhi.

BSCKI. Phạm Hồng Tươi, chia sẻ: Với các bác sĩ ở bệnh viện tuyến dưới, việc tiếp cận các ca bệnh khó không nhiều nên kinh nghiệm ít, đặc biệt là những ca bệnh như trường hợp này, trẻ mới 28 tuần tuổi. Đây là nỗ lực của cả quá trình và cũng là nỗ lực của tập thể y bác sĩ của bệnh viện. Từ khi có hội chẩn trực tuyến, chúng tôi đã tự tin hơn rất nhiều, nhiều bệnh nhân được cứu sống ngay tại địa phương, trình độ của các bác sĩ được nâng cao. Hội chẩn trực tuyến có rất có ý nghĩa đối với  bệnh viện tuyến huyện xa xôi như của chúng tôi.

Còn BS. Phùng Đức Sằm, Phó Giám đốc BVĐK huyện Định Hóa, Thái Nguyên khi nói về Đề án Khám chữa bệnh từ xa không dấu được niềm vui mừng, hồ hởi qua từng ánh mắt: Chúng tôi rất hạnh phúc khi được kết nối trực tiếp với các thầy ở Hà Nội. Qua Đề án giúp các thầy thuốc luôn được cập nhật kiến thức mới, kỹ thuật mới và cũng là đem lại lợi ích cho người bệnh được chăm sóc sức khỏe tốt hơn.

BS. Nguyễn Thị Hương - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tam Đường, Lai Châu cho biết: Hiệu quả của Đề án khám chữa bệnh từ xa đối với bệnh viện, đó là phía cán bộ y tế tuyến cơ sở, được hỗ trợ về chuyên môn, tự học và bổ sung trực tiếp, thường xuyên từ ca bệnh thực tế. Giúp bác sĩ tự tin hơn, tạo hài lòng của người bệnh. Trong cơ sở điều trị, thống nhất chẩn đoán và hướng điều trị, từ đó hạn chế chuyển tuyến và giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên. Về phía bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, tiết kiệm chi phí đi lại cho người bệnh. Người bệnh được tư vấn, tiếp cận dịch vụ kỹ thuật y tế tuyến trên, được chẩn đoán điều trị kịp thời giúp giảm thời gian điều trị, hạn chế các biến chứng...

Đề án khám, chữa bệnh từ xa bước đầu giúp người dân ở vùng sâu, vùng xa như huyện Tam Đường không cần phải lên tuyến trên vẫn có thể được khám, chẩn đoán và điều trị bệnh bởi các giáo sư, bác sĩ, chuyên gia đầu ngành. Qua đó, ngày càng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và năng lực chuyên môn cho cán bộ y tế.

Thực tiễn hoạt động khám chữa bệnh từ xa trong thời gian dịch COVID-19, đã cho thấy nhiều lợi ích như giúp người dân tiếp cận dịch vụ y tế nhanh chóng, ít tốn kém, an toàn, không cần phải đến bệnh viện khi chưa thấy cần thiết, giúp giảm tải bệnh viện và không tập trung đông bệnh nhân.Người dân trên mỗi vùng miền của Tổ quốc được sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng cao ngay tại tuyến cơ sở, hạn chế việc chuyển tuyến, quá tải, thậm chí người dân ở nhà cũng có thể được bác sĩ tuyến trên khám, hỗ trợ tư vấn điều trị thông qua các thiết bị điện tử thông minh.

Phát biểu tại lễ khánh thành 1.000 cơ sở y tế khám chữa bệnh từ xa, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Đây là sự kiện quan trọng, một bước tiến lớn của ngành y tế trong công tác chăm sóc sức khỏe toàn dân.

Kết quả này cũng thể hiện tinh thần chỉ đạo quyết liệt, mạnh mẽ của Chính phủ trong triển khai Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, hướng tới đưa Việt Nam trở thành một quốc gia số ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới.

Anh Tuệ

Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/chat-luong-kham-chua-benh-vuon-cao-vuon-xa-n18...