Các bệnh viện tại TP.HCM gần đây bắt đầu chú trọng phát triển các ứng dụng báo cáo sự cố nhằm đảm bảo an toàn cho người bệnh và nhân viên y tế khi ngày càng nhiều sự cố xảy ra.

Khi nhận thấy tín hiệu cảnh báo nguy cấp về an ninh trật tự, bất kỳ nhân viên nào của bệnh viện Nhân dân Gia Định cũng có thể chủ động gọi tổng đài 333 yêu cầu kích hoạt báo động. Tổng đài viên tiếp nhận và nhấn nút, tín hiệu sẽ truyền đến số điện thoại của lãnh đạo, bảo vệ và công an. Trong hai phút, các bên sẽ có mặt để xử lý sự cố.

Quy trình phản ứng nhanh để xử lý sự cố này có tên “Code Grey”, đã được bệnh viện Gia Định triển khai trong ba năm qua. Cuối tháng rồi sở Y tế TP.HCM và bệnh viện này phối hợp với công an quận Bình Thạnh thực hiện buổi diễn tập xử lý tình huống khẩn cấp bằng Code Grey, xử lý tình huống giả định có hai nhóm giang hồ đánh nhau tại khoa cấp cứu khi các bác sĩ đang cứu chữa cho bệnh nhân. 

Code Grey thuộc hệ thống báo gọi tự động Auto Call của bệnh viện Gia Định, bên cạnh đó là “Code Blue” dành cho hỗ trợ khẩn cấp ngưng tim, ngưng thở, “Code Red” dành cho hỗ trợ khẩn cấp cháy nổ và “báo động đỏ” dành cho hỗ trợ khẩn cấp khi có bệnh nhân nguy kịch.

Năm 2019, Code Grey đã xử lý 33 trường hợp gây rối trật tự, giúp tránh gây tổn hại về người và tài sản. Hệ thống giúp chủ động phát hiện sớm và ngăn ngừa tình huống mất an ninh cho nhân viên y tế và người bệnh. Hệ thống này hiện được đánh giá hiệu quả và bài bản nhất trong các bệnh viện tại TP.HCM.

Trong số 34 sản phẩm lọt vào vòng 2 của đợt bình chọn giải thưởng Y tế thông minh 2019 do sở Y tế TP.HCM phát động từ đầu năm, ngoài “Auto Call”, có đến 4 sản phẩm của 4 bệnh viện khác tập trung vào mảng báo cáo sự cố, bên cạnh nhiều giải pháp ứng dụng công nghệ đa dạng khác. 

Ứng dụng phần mềm báo cáo sự cố HM115 cũng là một trong các giải pháp nổi bật, hiện đang được thực hiện tại bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, bên cạnh thẻ thanh toán cho người bệnh, số hóa hồ sơ bệnh án, ứng dụng đánh giá chất lượng nhân viên y tế…

Theo đó, thay vì báo cáo sự cố bằng file giấy vừa mất thời gian vừa gây tâm lý e ngại cho nhân viên, việc báo cáo bằng phần mềm thúc đẩy quy trình vận hành nhanh hơn, đồng thời nâng cao hiệu quả lưu trữ thông tin.

HM115 là sản phẩm phối hợp thực hiện giữa công ty I3 Solution và bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, được xây dựng nhằm tạo môi trường thuận lợi để nhân viên báo cáo các sự cố “đã xảy ra và suýt xảy ra”, thúc đẩy quá trình tiếp nhận, xử lý nhanh hơn. Phần mềm có các tính năng báo cáo sự cố, phân tích nguyên nhân, kế hoạch khắc phục, theo dõi sự cố, phân tích biểu đồ, phản hồi – chat và đánh giá của báo cáo viên…

Tại buổi báo cáo đánh giá hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin tại hội nghị quốc tế Informatics về sức khỏe tại TP.HCM gần đây, bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn cho biết nhờ ứng dụng HM115, số lượng báo cáo sự cố tự nguyện tại bệnh viện trong năm 2018 đã tăng gấp ba lần so với năm 2017.

Chọn cách làm tương tự là phối hợp với đối tác công nghệ, bệnh viện Nhân dân 115 cùng đối tác Dr5 triển khai sản phẩm Dr5-STAR từ năm 2017. Cũng thực hiện các tính năng báo cáo sự cố như HM115, nhưng các công cụ phân tích này chưa phân tích được nhóm nguyên nhân gây sự cố mà mới ở mức liệt kê các sự cố, theo đánh giá của hội đồng bình chọn giải thưởng Y tế thông minh năm 2019.

Qua hai năm triển khai Dr5-STAR, bệnh viện Nhân dân 115 đã thu thập hơn 1.900 báo cáo, trong đó có hơn 1.400 báo cáo sự cố tự nguyện, giúp bệnh viện thu thập thông tin, từ đó đề ra hướng xử lý và phương pháp phòng ngừa. Đến nay, ngoài bệnh viện Nhân dân 115 ở TP.HCM, Dr5-STAR cũng đã được triển khai ở một số bệnh viện tỉnh, thành khác.

Trong khi đó, bệnh viện Bình Dân chọn cách tự xây dựng các ứng dụng công nghệ thông tin trong báo cáo sự cố. Phần mềm quản lý sự cố, sai sót, rủi ro BDH của bệnh viện này được các chuyên gia phòng Công nghệ thông tin và phòng Quản lý chất lượng của bệnh viện kết hợp phát triển.

BDH được đánh giá hỗ trợ nhân viên y tế báo cáo sai sót, sự cố y khoa và các sự cố khác thay cho cách báo cáo truyền thống trước đây. Thông tin được chuyển về phòng Quản lý chất lượng theo thời gian thực thay vì chậm sau một ngày xảy ra sự cố. Quy trình quản lý sự cố cũng được triển khai nhanh chóng ngay sau đó.

Thực hiện được các tính năng báo cáo, thống kê và phân loại sự cố, nhắc nhở khi có báo cáo và có giao diện thân thiện nhưng BDH vẫn dùng ứng dụng truyền thống (desktop application) chứ chưa có giao diện trên web hay ứng dụng di động. Đơn vị này cho biết đang tiếp tục phát triển phần mềm trên smartphone để hỗ trợ nhân viên y tế báo cáo nhanh và mọi lúc mọi nơi.

Ở bệnh viện Hùng Vương, phần mềm quản lý báo cáo sự cố IRS được hội đồng bình chọn giải thưởng Y tế thông minh 2019 đánh giá có hàm lượng chuyên môn cao.

Giải pháp do chuyên gia IT của phòng Quản lý chất lượng bệnh viện này nghiên cứu và xây dựng nên tính phù hợp và mức độ tiện dụng được đánh giá cao. Ngoài các tính năng báo cáo, thống kê, phần mềm còn có hệ thống phân tích số liệu phong phú, hỗ trợ phòng Quản lý chất lượng quản lý báo cáo sự cố tốt hơn.

Trong quá trình hoàn thiện sắp tới, bệnh viện Hùng Vương cho biết sẽ bổ sung thêm các tính năng phân tích nguyên nhân của sự cố vào phần mềm này.

Theo forbesvietnam